Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VOV)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 16/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá chiến lược

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược. Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó giao người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tạo điều kiện không gian, nguồn lực cả nhân lực và tăng cường ưu tiên liên quan tài chính, ngân sách, ưu tiên đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh nâng cao chất lượng các văn bản liên quan thể chế với tinh thần ở cấp nào cấp đó giải quyết, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các địa phương.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương dành thời gian rà soát lại, hệ thống lại những gì còn vướng, những gì cần để báo cáo. Đây là việc hết sức quan trọng, cần thống nhất nhận định đánh giá, thống nhất xác định mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu, đánh giá mặt hạn chế, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để khắc phục. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế không chỉ làm cho năm nay mà định hướng cho cả nhiệm kỳ, các nhiệm kỳ sau để bố trí thời gian, nguồn lực cho phù hợp, hiệu quả nhất.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tập trung làm rõ một số vấn đề như: cần đánh giá tổng quan về những thành tựu, kết quả đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật; nhận diện rõ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra phương hướng, các giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này, nhất là trong việc thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật;

Đồng thời, xác định rõ xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng; tạo lập được khuôn khổ pháp lý thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm; kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: pháp luật về môi trường, đất đai, an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công - tư; hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Đề ra định hướng, xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật cho nhiệm kỳ 2021-2026, định hướng đến năm 2030.

Về công tác xây dựng thể chế của Chính phủ năm 2021, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng cần quy định cụ thể và đề cao nguyên tắc về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong hoạt động xây dựng pháp luật; quy định các hình thức chế tài phù hợp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc không thực hiện đúng các yêu cầu phối hợp công việc.

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng việc phân cấp phân quyền không dừng lại ở Trung ương phân cấp cho địa phương mà ngay tại địa phương cũng đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Đặc biệt về đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất; đề cao tính chịu trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, cơ sở khi được phân cấp phân quyền.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. (Ảnh: VGP) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. (Ảnh: VGP)

TPHCM kiến nghị Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thí điểm phân cấp

Nêu vấn đề tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đề nghị trong bối cảnh TPHCM đang thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh thí điểm phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, một số nhiệm vụ của bộ, ngành, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn mà pháp luật chưa có qui định; kiến nghị tháo gỡ qui định pháp luật có mâu thuẫn chồng chéo không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Nhất là qua hơn 3 tháng phòng chống dịch Covid-19 thì cần có văn bản qui định pháp luật phù hợp với việc củng cố y tế cơ sở.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, đối với nguồn lực về y tế tư nhân, TP có kêu gọi vận động hỗ trợ thì các nguồn lực về y tế tư nhân có tham gia. Tuy nhiên, quá trình tham gia có đặt ra vấn đề là các thể chế để cho y tế tư nhân làm sao để họ tham gia một cách tích cực nhất liên quan đến có thu phí. Bên cạnh đó, vấn đề thuế, nguồn lực tài chính trong thời gian tới hay vấn đề thu hút nhân lực các nơi quay trở về như thế nào. Trong đó, về ngân hàng về nguồn lực cần đòi hỏi phải có thể chế, qui định pháp luật cụ thể, mang tính chất đồng bộ để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh chóng kịp thời nhất là thời kỳ sau dịch bệnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng, bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 định hướng lớn trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng đặt ra một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể. Thứ nhất, người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thứ hai, cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế. Thứ ba, làm sao để thể chế là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển, trong đó phát huy tối đa nguồn lực con người, nguồn lực thiên nhiên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.

Thứ tư, phải rà soát những vướng mắc của thể chế từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật. Thứ năm, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ kiểm tra giám sát, quy định trách nhiệm, cắt giảm các thủ tục hành chính. “Đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết là chống tham nhũng, tiêu cực lợi ích nhóm trong công tác rất quan trọng này” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo