Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đấu tranh chống quan điểm sai trái: Cần sự chung sức, đồng lòng

Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng Quận 11 kịp thời phản bác một thông tin sai trái trên mạng xã hội liên quan đến địa bàn Quận 11

(Thanhuytphcm.vn) – Đôi khi, trước một thông tin sai trái nào đó đang lan truyền trên internet, mạng xã hội, thì phản ứng của một số người có vẻ bình thản rằng: “Việc đấu tranh đó để lực lượng tuyên giáo lo” hoặc “Việc này đã có ban chỉ đạo xử lý”, hay đơn giản hơn “Các trang này để lực lượng công an truy ra”… Về hình thức, ở một số trường hợp thì có vẻ là đúng như vậy, với cơ quan chức năng thường xuyên và chịu trách nhiệm chính là ban tuyên giáo cấp ủy các cấp, ban chỉ đạo các cấp (nói tắt của “ban chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái cấp ủy”) và trong những tình huống nghiêm trọng, lực lượng công an sẽ xử lý bằng cách áp dụng pháp luật (đặc biệt là với Luật Hình sự). Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc xử lý cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan.

Thí dụ: giả sử trên mạng xã hội đang lan truyền một thông tin cho rằng “công an đang trấn áp người dân”, xảy ra ở một địa bàn cụ thể. Các cơ quan có liên quan phải vào cuộc tìm hiểu. Đầu tiên, đơn vị chủ quản của cán bộ công an đó phải xác minh xem cán bộ của mình có phải đang thực thi nhiệm vụ hay đó là hành động mang tính cá nhân, sau đó báo cáo với cấp có thẩm quyền về toàn bộ vụ việc. Cơ quan tuyên giáo cần nắm xem thông tin đó đến từ đâu (trang cộng đồng hoặc trang cá nhân nào đăng tải), đã lan truyền ra sao, dư luận về vấn đề này như thế nào… Chính quyền địa phương xảy ra vụ việc cần nắm nhân thân của người được cho là “bị trấn áp”, tìm hiểu bản chất vụ việc và thông tin đầy đủ trong hệ thống chính trị của địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội định hướng ngay cho lực lượng chính trị nòng cốt của mình thông tin bước đầu về vụ việc, định hướng cách xử lý (như tăng cường nắm bắt thông tin, phổ biến thông tin chính thức, cảnh báo đoàn viên, hội viên của mình không làm lan tỏa thêm thông tin đó…). Sau khi nắm bắt toàn bộ sự việc, cấp ủy xác định nội dung của thông tin đang lan truyền là sai sự thật, hành vi của cán bộ công an đó bị cắt cúp, không phản ánh đầy đủ bản chất sự việc là lực lượng chức năng đang có biện pháp cưỡng chế một đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật…, từ đó báo cáo kịp thời đến các cơ quan cấp trên và chỉ đạo hệ thống chính trị ở địa phương của mình thực hiện việc phản bác thông tin và xử lý vụ việc theo đúng quy định… Trên cơ sở đó, các cơ quan cấp trên có thể chỉ đạo thực hiện một số công việc cụ thể, như: truy tìm người tán phát thông tin sai trái trên để xử lý theo quy định; có giải pháp thông tin, tuyên truyền phù hợp; rà soát và rút kinh nghiệm chung trong các hoạt động, ứng xử có liên quan; chấn chỉnh một số biểu hiện chưa tích cực hoặc có thiếu sót…

Như vậy, nếu không có sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực, đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chức năng thì thông tin sai trái kia có thể sẽ lan truyền rất nhanh, sẽ tác động đến nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, làm hồ nghi, thậm chí hoang mang trong một bộ phận người dân… Nghiêm trọng hơn, thông tin đó có thể sẽ bị các lực lượng chống phá lợi dụng, xuyên tạc hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Có thể khẳng định rằng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên internet, mạng xã hội phải được quan tâm đặc biệt, cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của tất cả các đảng viên, đoàn viên, hội viên, chứ không phải chỉ của một số cơ quan chức năng hoặc của một số cán bộ, đảng viên chuyên trách.

Trước hết, cuộc đấu tranh này rất khó khăn và phức tạp vì đối tượng nhiều khi không lộ diện, thủ đoạn và hậu quả khôn lường. Việc dự báo diễn biến của vụ việc có khi không đầy đủ, do rất khó xác định tính “cộng hưởng” của vụ việc đó với các tình huống, sự kiện khác. Chẳng hạn, trong khi các thế lực chống phá đang xuyên tạc, kích động dư luận liên quan việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung) thì có thông tin diễn giải sai lệch về việc một địa phương tổ chức lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục ngoài công lập (chủ các trường tư chứ không phải là học sinh các trường đó), lãnh đạo các trường công…, thành ra có lúc dấy lên một luồng dư luận trái chiều.

Trong khi đó, một thông tin sai trái có thể tác động đến rất nhiều người, cơ chế lây lan khá phức tạp ở các môi trường khác nhau (theo kiểu “đồn thổi”, “tam sao thất bản”…), nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Đồng thời, trong việc phản bác các thông tin sai trái, một nhiệm vụ quan trọng là tăng cường lan tỏa thông tin tích cực, nhất là các thông tin có liên quan về lĩnh vực, địa phương, đối tượng… của thông tin xấu độc. Hoạt động này không thể do một vài cơ quan hoặc một số ít cá nhân thực hiện được, mà phải cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị và sự tham gia của rất nhiều người.

Ngoài ra, khi cần áp dụng biện pháp kỹ thuật với một trang cụ thể có thông tin bịa đặt, xuyên tạc (thực hiện “báo cáo xấu” với trang đó) thì phải có sự tham gia của nhiều tài khoản chính danh. Hay khi cần “pha loãng” các thông tin, bình luận sai lệch, cũng phải có nhiều tài khoản mạng xã hội cùng thực hiện…

Chính vì vậy phải có sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; giữa các cơ quan cấp thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp huyện và tương đương; giữa TPHCM với các địa phương khác; giữa TPHCM với các cơ quan Trung ương… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận này. Sự đơn lẻ, rời rạc sẽ làm giảm sức mạnh và hiệu quả của cuộc chiến.

Suy cho cùng, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nâng cao cảnh giác và trách nhiệm trước các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái. Mỗi người cần chung sức, đồng lòng để thực hiện cuộc đấu tranh khó khăn này, tuyệt đối không làm cho tình huống trở nên phức tạp hơn. Nếu bản thân chưa có điều kiện đấu tranh thì trước hết không làm lan truyền thông tin đó, đồng thời phải báo cáo kịp thời với cấp ủy và người có trách nhiệm để có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo