Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ý kiến đảng viên

Về tinh thần trách nhiệm

Khi nói về chất lượng nguồn nhân lực hay bàn về đạo đức, tài năng của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước…, nhiều người thường phân tích và nhấn mạnh yếu tố năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc… mà ít phân tích lưu ý nhiều đến tinh thần trách nhiệm của cá nhân và tổ chức.

Trách nhiệm là thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách, một yếu tố gốc, quan trọng bậc nhất của đạo đức, nhân cách. Tinh thần trách nhiệm nhiều khi còn được đánh giá cao hơn trình độ, năng lực cá nhân. Trách nhiệm vẫn là vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá cán bộ, công chức và tất cả chúng ta, những người lao động, hoạt động. Vì vậy, vấn đề này cần hiểu thật sâu sắc, thật sự thấm nhuần và cụ thể hóa, chế độ hóa đầy đủ, cụ thể.

Cùng với động cơ hoạt động là tinh thần trách nhiệm trong công việc, trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với đơn vị mình công tác, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Chính trách nhiệm - ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người. Có trách nhiệm thì bản thân mình sẽ thúc đẩy mình tự vươn lên học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, sẽ có sáng kiến và rèn luyện kỹ năng công tác - những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc và hoạt động của mỗi người nói riêng và nguồn nhân lực nói chung.

Nhưng có thể nói chất lượng công việc, hiệu quả công tác, hoạt động ấy trước hết phụ thuộc vào động cơ, nhất là tinh thần trách nhiệm của cá nhân mỗi người, nhất là người đứng đầu – người có trọng trách lớn nhất trong cơ quan, đơn vị. Quyền hạn, nghĩa vụ luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền hạn càng cao, nghĩa vụ càng lớn thì trách nhiệm cũng phải tương đương.

Nhưng cái gì tạo ra trách nhiệm? Đó là động cơ trong sáng của cá nhân, là sự tự giác, giác ngộ về nhiệm vụ được giao và ý nghĩa xã hội của nó, là những quyền hạn của cá nhân khi được tổ chức xác định, giao phó. Ta thấy những gương người tốt việc tốt, những người tử tế… là những người không chỉ có động cơ trong sáng mà còn là người có tinh thần trách nhiệm rất cao. Vấn đề là trách nhiệm cao, thấp, trung bình ở mỗi người ra sao?

Vậy yếu tố nào cấu thành trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm? Phải chăng đó là phải thật sự biết đặt lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên lợi ích cá nhân, không vụ lợi? Đó là đã nhận nhiệm vụ, đã có quyền hạn thì phải thực hiện tốt nhất công việc ấy về cả số lượng, chất lượng, hiệu quả. Đó là phải làm việc đến cùng cho nó hoàn tất, thành công, tránh mọi sai sót, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra. Đó không chỉ là nhiệt tình trong công việc mà còn là sự quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, tìm mọi giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có thể nói bốn yếu tố cấu thành nội hàm của tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm này là thuộc phạm trù đạo đức nhưng cũng bao hàm một phần phạm trù tài năng. Đó chính là những tiêu chí quan trọng để đánh giá một người, một cá nhân có tinh thần trách nhiệm hay không, tinh thần trách nhiệm cao thấp như thế nào?

Tinh thần trách nhiệm trong công việc và trong mọi hoạt động nói chung có nhiều lĩnh vực.

Trước nhất là trách nhiệm với bản thân. Đó là làm gì cũng không để ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu bản thân mình; không gây tổn thương cho lòng tự trọng của mình; làm gì cũng phải có lương tâm; làm gì cũng phải thể hiện hết năng lực của mình… Nhưng khi cần phải biết chịu thiệt thòi cá nhân cho lợi ích xã hội.

Thứ hai là trách nhiệm đối với cơ quan đơn vị mình. Đó là phải tích cực xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho đơn vị; là phải hoàn thành tốt nhất trên cương vị công tác của mình; là phải vì lợi ích của đơn vị hơn là lợi ích cá nhân mình…

Thứ ba là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, cũng có phần tương tự như vậy, nhưng nó bao quát nội dung là có trách nhiệm với bản thân, với đơn vị mình như thế nào thì cũng phải có ý thức trách nhiệm với xã hội như vậy.

Thứ tư là trách nhiệm trong nhiệm vụ trong công việc chuyên môn được giao.

Chúng ta hay đề cập tình trạng vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức, hay nhân viên nào đó. Ai cũng cảm nhận được điều này nhưng cụ thể, nó biểu hiện ra sao? Tình trạng vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, chẳng hạn, đó là thái độ lơ là trong công việc, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán, thấy kẻ xấu không lên án, thấy người bị tai nạn không tìm cách giúp đỡ, cứu chữa, thấy việc không đúng nhưng không ngăn cản, đấu tranh, bất chấp hậu quả thế nào cho cộng đồng… Hoặc làm việc thì nhường khó cho người khác, lấy thuận lợi cho mình, thi hành công vụ thì đẩy khó cho dân, gây khó cho dân, hoặc cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan nhà nước với nhau…

Hiện nay, đối với người cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, cần phải làm rõ vấn đề cam kết trách nhiệm, quy trách nhiệm cá nhân. Thường khi giao nhiệm vụ, quyền hạn thường có gắn liền với trách nhiệm. Nhưng thực tế cũng cho thấy là giữa nhiệm vụ, quyền hạn với trách nhiệm thì thường trách nhiệm ít được cụ thể hóa hơn. Từ đó, sinh ra “bệnh chung chung” hay “bệnh trốn trách nhiệm”, nên khi có vấn đề thì quy trách nhiệm cá nhân thường là khoảng trống hay còn khá khó khăn hoặc chưa nghiêm, chưa trung thực. Cần thực hiện chế độ cam kết bằng văn bản về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, có như vậy thì việc quy trách nhiệm mới khả thi. Nhưng trước hết, đó là một sức ép, một động lực để người đứng đầu thực thi thật sự trách nhiệm của mình gắn với nhiệm vụ quyền hạn được giao, không còn lơ là, trốn tránh trách nhiệm cá nhân hay đổ lỗi cho nhau nữa.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho mỗi cá nhân trong yêu cầu hình thành nhân cách và hoàn thành các nhiệm vụ công dân, nhiệm vụ công chức, viên chức… cần có nội dung cụ thể và phương pháp giáo dục về tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu trách nhiệm từ khi con người còn niên thiếu trong gia đình và ở trường học, rồi sau này là trong các tổ chức, trong xã hội. Đồng thời, phải có cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Phải thực sự đổi mới, cải cách trong lĩnh vực và phương diện này.

Công tác xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng chính trị, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ mà cả về mặt đạo đức, lối sống, trong đó cần nêu cao nội dung tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm của cá nhân và của tổ chức, nhất là người đứng đầu.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhưng trước hết, bản thân mỗi người, mỗi công dân cũng cần xác định cho mình, xây dựng cho mình về trách nhiệm cá nhân đối với công việc, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm xã hội (có cái không ai giao cả nhưng tự lương tâm mình phải làm) qua đó mà trưởng thành về nhân cách và thành công trong sự nghiệp, cũng như trong trọng trách, nghĩa vụ và quyền hạn quyền lợi của công dân của một xã hội dân chủ - pháp quyền văn minh, nhân văn.

Con người trưởng thành không chỉ về thể xác, hay về trình độ nhận thức, học vấn mà quan trọng hơn là trưởng thành về nhân cách, nhất là về ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm. Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm càng cao càng chứng tỏ sự trưởng thành thật sự về con người về nhân cách. Hơn nữa chính nhờ sự trưởng thành, định hình về tinh thần trách nhiệm, về đạo đức và nhân cách mà ta có thể tự tin về sự thành công trong công việc, trong sự nghiệp dù khó khăn gian khó như thế nào.

TS. HỒ BÁ THÂM

tin khác

Thông báo